Tìm hiểu thêm về thời gian trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du (tiếp theo)
Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014
Truyện Kiều là một kiệt
tác xuất chúng được cụ Nguyễn Tiên Điền viết bằng thể thơ lục bát của Việt Nam,
đến nay đã hơn 200 năm.
Riêng bài viết này tôi xin trình bày thêm về thời gian
trong tác phẩm này mà từ trước đến nay chúng ta chẳng mấy lưu tâm đến.
X.
XÁC ĐỊNH THỜI GIAN KIỀU THEO HỌC NGHỀ CHƠI
Theo
sự chỉ đạo của Tú Bà thuê 30 lượng cho Sở Khanh dụ lừa Kiều trốn đi vào đêm
21 tháng 9. Đến sáng hôm sau là ngày 22 tháng 9 Kiều bị bắt lại:
Tiếng gà xao xác gáy mau
Tiếng người đâu đã mái sau dậy dàng
Lúc này Sở Khanh đã rẽ dây cương vọt ngựa đi bỏ Kiều còn lại
một mình không biết làm sao thì:
Tú Bà tốc thẳng đến nơi
Hăm hăm áp điệu một hơi lại nhà
Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra
Dang tay vùi liễu dập hoa tơi bời
Thúy Kiều đành phải thú phục khẩn cầu và hứa:
-“Thân lương bao quản
lấm dầu”
“Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”
Câu thơ thật cay đắng và chua xót nhất trong tác phẩm những
thói hư tật xấu phải từ bỏ thì gọi là chừa.
Nhưng ở đây lòng trinh bạch mà phải xin chừa thì thật là một
bản án cay nghiệt đè lên thân phận con người – Đó là bi kịch lớn của loài người!
Chúng ta phẩn uất cho thân phận con người ở trong cái xã hội
thối nát, trong đó một thiếu nữ phải hứa xin chừa đi cái trong sạch, cái trinh
trắng của mình thật là khủng khiếp quá, thân phận con người nhỏ nhoi cay đắng
quá!
Tiếc thay trong giá trắng ngần
Đến phong trần cũng phong trần như ai
Tẻ vui cũng một kiếp người
Hồng nhan bạc phận ở đời mãi ư?
…
Vừa tuần nguyệt sáng gương trong
Tú Bà ghé lại thong dong dặn dò
- “Này con thuộc lấy làm lòng”
“Vành ngoài bảy chữ vanh trong tám nghề”
“Chơi cho liễu chán hoa chê”
“Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời”
Thế là mùa thu qua đi – mùa đông lại đến vào tuần trăng
sáng trong. Đó là khoảng ngày 14 – 15 tháng 10 của năm thứ I Gia Tĩnh.
Thúy Kiều học vỡ lòng nghề làm gái làng chơi.
XI.
XÁC ĐỊNH THỜI GIAN THÚY KIỀU TẮM
Thật là cay đắng cho thân phận Thúy Kiều:
- Xót mình cửa các buồng khuê
Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay
Với thân phận hành nghề bán phấn buôn hương Kiều đã thốt
lên:
“Vui thời vui gượng kẻo là”
“Ai tri âm đó mặn mà với ai!”
Trong thời gian hành nghề, Kiều gặp một người đàn ông đem
lòng say mê và đã cưới Kiều ra khỏi thanh lâu. Anh chàng tên là Thúy Kỳ Tâm vừa
là học trò vừa là thương gia – chàng ta xài tiền không tiếc.
Thúc sinh quen thói bốc rời
Trăm nghìn đổi một trận cười như không!
Tú Bà biết chàng là khách sộp nên mục càng trau chuốt cho
Kiều thêm đẹp để moi tiền chàng ta.
Mụ càng tô lục chút hồng
Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòa đâm bông
Mùa đông qua đi, mùa xuân đến chàng ta mê mẩn.
Miệt mài trong cuộc tri hoan
Càng quen thuộc nết càng dan díu tình
Rồi mùa xuân cũng sắp hết vào một đêm trắng của cuối mùa
xuân, chim cuốc (quyên) kêu để gọi hè về, hoa lựu cũng đã bắt đầu đơm bông
báo hiệu mùa xuân sắp hết. Đó là đêm trăng tháng 3. Nhân buổi rảnh rổi
Buồng thê phải buổi thong dong
Thang lan ru bức trướng hồng tẩm hoa
Vậy Kiều đã rủ bức trướng hồng khỏa thân tắm, chàng Thúc ngồi
xem. Đó là đêm trăng nào của tháng 3?
Ở đây ta thấy cụ Nguyễn Du. Một nhà nho mẫu mực của cửa Khổng
sâu Trình – đã tả Kiều khỏa thân:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên
Với một cô gái hành nghề mãi dâm – vừa mới tự tử thoát chết
hụt. Vậy thì vết thẹo to tướng của dao đâm vào đó đâu?! Chàng Thúc còn làm thơ
ca ngợi:
Sinh càng tỏ nét càng khen
Ngụ tình tay thảo một thiên Luật Đường
Kiều tắm xong – chàng Thúc và Kiều tâm sự suốt đêm cho mãi
đến sáng hôm sau:
Cùng nhau căn vặn đến điều
Chỉ non thề bể nặng gieo đến lời
Lại
thề thốt nữa!
Nỉ non đêm ngắn tình dài
Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương
Ngoài mái hiên thấy thỏ: chỉ ánh trăng, non đoài: ngọn núi ở phía tây. Đó là
sáng hôm sau ánh trăng đã xuống ngọn núi phía tây. Theo kinh nghiệm của dân
gian:
14 trăng lặn
gà lên (gà gáy)
15 trăng lặn
gà đều gáy tan (sáng)
Vậy đêm Kiều khỏa thân tắm là đêm 15 tháng 3 năm Gia
Tĩnh thứ 2.
Hôm sau ngày 16 tháng 3
Chàng Thúc lập mưu đón Kiều đi hóng mát ở vườn Trúc:
Mượn điều trúc viện thừa lương
Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi
Chiến – hòa sắp sẵn hai bài
(thừa lương: hóng
mát). Rồi chàng ta bắn tin dọa (chiến)
kiện Tú Bà về tội đã lừa mua con gái nhà lương thiện bắt đem về làm đĩ, nếu
không cho chuộc Kiều ra.
Còn (hòa) là Tú
Bà phải chịu nhận tiền và ký giấy hoàn lương cho Thúy Kiều. Cuối cùng Kiều đã
được giải thoát ra khỏi nhà chứa.
Công tư hai lẽ điều xong
Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai
Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông
XII.
XÁC ĐỊNH THỜI GIAN THÚC ÔNG VÀ THÚC SINH CÃI NHAU
Tình yêu giữa chàng Thúc và Kiều càng thắm thiết.
Hương càng đượm lửa càng nồng
Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen
Kiều càng ngày càng đẹp như đóa sen. Thì đất bằng dậy sóng:
Nửa năm hơi tiếng vừa quen
Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng
Dậu thu vừa nẩy giò sương
Gối yên đã thấy xuân đường đến nơi
Phong lôi nổi trận tơi bời!..
Sân ngô:
sân có trồng cây ngô đồng đã chen lá vàng nghĩa là đã vào thu.
Dậu thu:
dậu hoa mùa thu.
Nảy giờ sương: chồi
hoa chịu được sương đó là chồi hoa cúc – khi mùa thu sương xuống thì cúc đâm chồi.
Xuân đường: cha
Nửa năm: là
sáu (6) tháng.
Vậy
chàng Thúc đưa Kiều ra khỏi nhà chứa của Tú Bà là ngày 16 tháng 3 đến nay đã là
6 tháng (nửa năm) đã trôi qua.
Vậy
là ngày 16 tháng 9 năm thứ 2 Gia Tĩnh – Thúc Ông về nhà và ông thấy con
trai là Thúc Sinh đưa gái làng chơi về nhà làm vợ - ông ta nổi trận lôi đình.
XIII.
XÁC ĐỊNH THỜI GIAN THÚC ÔNG KIỆN LÊN QUAN
Thúc
Ông không những ngại về danh giá nhà mình mà còn lo đối với nhà vợ cả của Thúc
Sinh sẽ có chuyện lôi thôi. Ông bắt Kiều phải về lại lầu xanh.
Dạy cho má phấn lại về lầu xanh.
Hai cha con đã:
Cùng nhau vả tiếng một ngày
Thúc Sinh nhất định thà chết chứ nhất định không chịu đuổi
Kiều về lại lầu xanh.
Thấy lời sắt đá tri tri
Sốt gan, ông mới cáo quì cửa công
Suốt một ngày cha con cãi nhau – Thế là hôm sau ngày 17
tháng 9 năm thứ 2 Gia Tĩnh vụ việc được đưa lên quan.
Đất bằng nổi sóng đùng đùng
Phủ đường sai lá phiếu hồng thôi tra
Cùng nhau theo gót sai nha
Song song vào trước sân hoa lạy quỳ
XIV.
XÁC ĐỊNH THỜI GIAN KIỀU KHUYÊN CHÀNG THÚC VỀ LẠI NHÀ
Quan
phủ buộc Kiều phải chọn một trong hai giải pháp:
- Một là cứ phép gia hình
- Hai là cứ phép lầu xanh phó về
Thúy Kiều nhất quyết không trở về đời sống ở lầu xanh mà
nàng chấp nhận hình phạt – và cuối cùng quan đã xử cho hai người được lấy nhau:
Đã đưa đến trước cửa công
Ngoài thì là lý, song trong là tình
Kíp truyền sắm sửa lễ công
Kiệu hoa cất gió – đuốc hồng điểm sao
Như theo tục lệ xưa nàng Kiều được lên kiệu hoa vào ban đêm
– thấp đuốc hồng điểm như sao trên trời
Huệ lan sực nức một nhà
Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa
Mảnh vui rượu sớm cờ trưa
Đào đà phai thắm sen vừa nẩy xanh
Hoa đào của mùa xuân không còn thắm nữa. Và sen cũng vừa
lên lá xanh – Đó là thời gian báo hiệu cuối mùa xuân đầu mùa hè – khoảng tháng
3. Vì vụ kiện tụng xảy ra là hồi mùa thu năm trước qua mùa đông đến mùa
xuân năm sau đó là năm thứ 3 Gia Tĩnh.
Nàng Kiều đã khuyên chàng Thúc về thăm vợ lớn để nói hết sự
thật để được vợ cả chấp nhận, chứ không phải sống chui sống nhủi, Kiều thốt
lên:
“Mà ta suốt một năm ròng”
“Thế nào cũng chẳng dấu xong được nào!”
Thúc Sinh đưa Kiều ra khỏi lầu xanh là ngày 16 tháng 3
năm Gia Tĩnh thứ 2. Đến nay đã đúng một năm vậy là ngày 16 tháng 3 năm Gia Tĩnh
thứ 3. Kiều khuyên Thúc Sinh về lại nhà.
Nhưng mãi đến mùa thu Thúc Sinh mới lên đường.
XV.
XÁC ĐỊNH THỜI GIAN THÚC SINH ĐI VÀ ĐẾN NHÀ
Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin hẹn ngày rày năm sau
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Như vậy chàng Thúc ra đi vào mùa thu lá cây phong đã ngã
màu đỏ đó là khoảng thời gian tháng 7 đầu mùa thu. Vì lá cây phong mới ngã màu
mà thôi chứ chưa rụng sau bữa tiệc chia tay – chàng Thúc lên ngựa ra đi và vầng
trăng vừa treo trên nền trời. Chỉ thấy một nửa vầng trăng mà thôi!
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường
Căn cứ theo lịch pháp – một tháng có 3 tuần trăng.
Từ
ngày 1 đến ngày 10 là trăng thượng tuần ở phía tây.
Từ ngày 11 đến ngày 20 là trăng trung tuần.
Từ
ngày 21 đến ngày 30 là trăng hạ tuần sua nửa đêm trăng mới mọc ở phương đông.
Trăng tròn vào ngày 16 – trăng một nửa có 2 ngày là:
-
Mồng 8 trăng non vừa tối
đã có trăng ở phía tây.
-
Ngày 24 trăng già sau nửa
đêm trăng mọc ở phía đông.
Vậy
Thúc Sinh lên đường chiều tối hôm ấy đã thấy vầng trăng một nửa đó là ngày mồng
8 tháng 7 năm thứ 3 Gia Tĩnh.
Đường
đi trên bộ bằng ngựa từ Lâm truy về nhà ở Huyện Tích.
“Lâm Truy đường bộ tháng chầy”
Như vậy chàng Thúc về đến nhà là ngày mồng 8 tháng 8 năm
thứ 3 Gia Tĩnh.
XVI.
XÁC ĐỊNH THỜI GIAN THÚC SINH GIÃ TỪ HOẠN THƯ RA ĐI
Nói về người vợ cả của chàng Thúc là Hoạn Thư xuất thân:
Vốn dòng họ Hoạn danh gia
Con quan Lại Bộ tên là Hoạn Thư
Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già
Khi hay tin chồng (Thúc Sinh) có vợ lẻ. Hoạn Thư ghen, manh
tâm trả thù. Nhưng khi chàng Thúc về nàng không hề đả động đến chuyện kia. Làm
như mình không hề hay biết gì cả - và anh chàng Thúc cũng lầm, cả hai người đều
đóng kịch.
Thú quê thuần vược bén mùi
Giống vàng đã rụng một vài lá ngô
Bắt đầu mùa thu trở lại của năm sau đó là năm Gia Tĩnh thứ
4. Thúc Sinh sống với vợ cả gần cả năm, chàng ta:
Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ
Một màu quan tái mấy mùa gió trăng
Tình riêng chưa dám rỉ răng
Chàng Thúc nhớ Kiều nhưng chưa dám nói ra, nhưng Hoạn Thư
đã đoán được:
Tiểu thư trước đã liệu chừng như qua
Cách năm – mây bạc xa xa
Lâm Truy chàng liệu tính mà thần hôn
Nghe vợ cả nói vậy: - “Cách một năm rồi anh ở đây thôi hãy
về lo hầu hạ cha đi”.
Được lời như mở tấc son
Vó câu chằng ruổi nước non quê người
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
Khi chàng lên ngựa ra đi mặt nước hồ thu phẳng lặng in cả bầu
trời xanh – trên thành khói biếc – rừng cây đã ngả màu vàng đó là mùa thu đã về.
Năm trước Thúc Sinh đã về nhà vào ngày mồng 8 tháng 8 năm
thứ 3 Gia Tĩnh, đến nay đã đúng một năm. Vậy Thúc Sinh giã từ vợ cả lên đường
về lại Lâm Truy – Đó là ngày mồng 8 tháng 8 năm thứ 4 Gia Tĩnh.
Roi câu vừa gióng dặm trường
Xe hương nàng cũng thuận đường qui ninh
Khi chàng Thúc ra đi, cũng là lúc Hoạn Thư lên xe về nhà mẹ
mình. Nàng trình bày với mẹ về việc bị chồng phụ bạc và lập mưu kế để bắt Kiều
về.
- Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu đen
…
Lâm Truy đường bộ tháng chầy
Mà đường hải đạo sang đây thì gần
Dọn thuyền chọn mặt gia nhân
Hãy đem dây xích buộc chân nàng về
Và Hoạn Bà cũng chiều theo ý của con gái
Sửa sang buồm gió lèo mây
Khuyển Ưng lại chọn một bầy côn quang
Dặn dò hết các mọi đường
Thuận phong một lá vượt sang biển Tề
Nếu đi ngựa trên bộ thì chàng Thúc sẽ về đến nhà sau một
tháng, còn đi theo đường biển thì gần hơn.
XVII.
XÁC ĐỊNH THỜI GIAN KIỀU BỊ BỌN KHUYỂN ƯNG BẮT ĐI
Khi chàng Thúc ra đi về vợ lớn, hai người đã thề thốt đến
nay:
Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước nào lời sắt son
Và Kiều than thở.
Thân sao lắm nỗi bất bằng
Liều như cung Quảng ả Hằng nghĩ sao?!
Đêm thu gió lọt song đào
Nửa vành trăng khuyết – ba sao giữa trời
Sau đó Thúy Kiều đến trước thiên đài thắp hương.
Nén hương đến trước thiên đài
Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân
Bỗng
bọn Khuyển Ưng ập đến.
Đầy sân gươm tuốt sáng lòa
Thất kinh nàng chửa biết là làm sao
Thuốc mê đâu đã tưới vào
Mơ màng như giấc chiêm bao biết gì
Vực ngay lên ngựa tức thì
Phòng đào viện sách bốn bề lửa dong
Bọn chúng tưới thuốc mê Kiều bắt nàng đi rồi đốt nhà. Đó là
đêm mùa thu Kiều ngồi nhìn ra cửa sổ có gió thổi vào và thấy nửa vành trăng
khuyết đi một nửa kề bên có 3 ngôi sao. Rồi Kiều đi thắp hương vậy là khoảng
đầu hôm giờ Tuất (19 – 21 giờ)
Như phần trên tôi đã trình bày:
-
Nửa vành trăng mà vừa tối
đã thấy đó là đêm mồng 8 (trăng non) thượng tuần ở hướng tây. Ở đây nửa vành
trăng khuyết đi một nửa (tức là ½ của một nửa vành trăng). Đó là đêm mồng 4
trăng non Thượng tuần có ngôi sao tâm (ba sao) kề bên vào giờ Tuất. Căn cứ theo
lịch pháp. Hiện tượng trên xảy ra vào tháng 9 hàng năm.
Tóm lại: Kiều ngồi quay mặt về hướng tây có gió Tây Nam của
mùa thu thổi vào. Khi Kiều thắp hương bọn Khuyển Ưng ập vào bắt đi là
lúc: giờ Tuất đêm mồng 4 tháng 9 năm thứ 4 Gia Tĩnh triều Minh.
(còn tiếp)
Trương Vĩnh Khánh
Xuân 2014. Lấp Vò, Đồng
Tháp
Bài liên quan
- Tìm hiểu về thời gian trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du (tt)
- Bàn thêm về năm nhuận của Dương lịch và Âm lịch
- TÌM HIỂU THÊM VỀ THỜI GIAN TRONG TÁC PHẨM TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU
- Khái niệm thời gian
- Tìm hiểu nền giáo dục xưa và nay
- Tìm hiểu về Đức Phật Thích Ca - Phần 4 (tiếp theo)
- Cái nghèo qua thơ của Tam Nguyên Yên Đổ
- Bàn thêm về từ "Cái"
- Bàn thêm về những ngôn ngữ ở Việt Nam
- Tứ đại mỹ nhân "của Trung Quốc cổ đại"
- Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét