Tìm hiểu về Đức Phật Thích Ca - Phần 4 (tiếp theo)
Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014
Kính tặng: Thiền sư THÍCH TRẦN NHIẾP
Bài viết của Trương Vĩnh Khánh
I.
ĐỜI LÀ BỂ KHỔ
Đức Phật đã từng
tuyên bố một câu nổi tiếng: “Nước mắt
của chúng sanh chìm đắm trong sanh tử luân hồi nhiều hơn là nước của bốn đại
dương”. Ngài cho rằng sanh, lão, bệnh, tử là khổ, thân ngũ uẩn là khổ,
yêu mà phải xa lìa là khổ, muốn mà không được như ý là khổ, ghét mà phải sống
chung là khổ v.v..
Ngài đã can đảm
nhìn thật sâu vào bản chất của nỗi khổ, vạch trần nó và phân tích nó một cách
chi tiết. Hành động khách quan và tôn trọng sự thật của Ngài khiến cho rất nhiều
người cho rằng Đức Phật có một nhân sinh quan yếm thế và tiêu cực.
Nhân sinh quan
của Ngài đã tạo ra một làn sóng tranh luận sôi nổi về những quan điểm ấy của
Ngài.
Lịch sử triết học
đã ghi nhận có ba trường phái được hình thành từ những cuộc tranh luận xoay
quanh quan điểm về nhân sanh của Đức Phật.
Đó là: 1. Phái
tán thành, 2. Phái phản đối, 3. Phái trung lập.
Trên cơ sở lý
luận 1. Phái tán thành thì bảo: “Nếu
gọi là chân lý thì đây mới là chân lý. Nếu đi tìm chân lý thì đến bây giờ mới
thấy chân lý.”
2. Phái phản đối thì bảo: “Nếu trên trần gian có cái gì là hư ngụy
thì không còn thấy đâu hư ngụy hơn, nếu có cái gì hư vọng thì đấy mới đúng là
hư vọng”. (Thích Mãn Giác TT)
Sự tranh luận về
nhân sanh quan của Đức Phật đã kéo dài hơn 25 thế kỷ. Vô số những nhà học giả,
vô số những trang sách vở được trước tác. Tại sao có sự phong phú đó? Những học
phái tranh luận theo hai hướng cơ bản.
Hướng thứ nhất cho rằng: Nhân
sinh quan của Đức Phật là tiêu cực, bi quan, yếm thế.
Hướng thứ hai cho rằng: Nhân sinh
quan của Đức Phật là lạc quan và yêu đời.
Có lẽ cả cách
trình bày trên đều không phù hợp với tinh thần của Đức Phật. Ngài không bi quan
và cũng chẳng lạc quan.
Ngài chỉ nhìn
sự vật đúng với bản chất của nó. Cái nhìn chân thật, cách mô tả chân thật
thể hiện nhân sinh quan của Ngài đã tạo ra một bước ngoặt vĩ đại trong văn hóa
nhận thức về nhân sinh của con người.
Đóng góp đầu
tiên và lớn lao nhất của Đức Phật cho văn hóa nhân loại là cái nhìn thâm trầm,
thống thiết về nhân sinh.
Đức Phật cho
rằng sự tồn tại trong mê muội là đau khổ. Theo Ngài thì rất ít người phá vỡ được
sự mê muội đó để tìm thấy hạnh phúc. Nhìn chung cuộc tồn sinh của nhân loại bị
bao vây bởi nhiều nổi khổ.
Chính vì thái độ
quá thực tế của Đức Phật mà hơn 25 thế kỷ qua Ngài đã bị nhiều sự ngộ nhận rất
đáng tiếc về quan điểm nhân sinh.
Càng thâm trầm
hơn khi Ngài công khai thừa nhận khổ đau và hạnh phúc chỉ là tương đối nó mang
tính chuyển dịch và biến đổi không ngừng. Quan điểm của Ngài là: “Tất cả tồn tại đều vô thường, vì vô thường
cho nên đau khổ.”
Tóm
lại: “Đức Phật cho rằng nếu có hạnh phúc, vẫn là hạnh phúc bị bao
phủ, kiềm tỏa và đe dọa bởi đau khổ là điều hòan tòan chính xác.”
Đức Phật cho rằng
người trí là người hiểu được qui luật vô thường, không bị ngỡ ngàng và sốc trước
quy luật vô thường. Vì vậy họ tận hưởng một cách đúng đắn những giây phút hạnh
phúc trong cuộc đời họ, đồng thời, cá nhân ấy cũng có được một sự mạnh mẽ, chủ
động và can đảm đối đầu với những điều bất như ý xảy đến. Những người hiểu rõ
qui luật vô thường sẽ không bị nô lệ vào cảm giác thái quá, sống minh triết và
trí tuệ thì theo Đức Phật những người đó sẽ có hạnh phúc thật sự.
Đức Phật tuyên bố:
“Chân lý tuyệt
đối chính là cái không có gì tuyệt đối trên thế giới này, mọi cái đều tương đối,
bị qui luật và vô thường.”
II.
GIÁO LÝ VÔ NGÃ CỦA ĐỨC PHẬT
Ngoài việc tuyên
bố về sự thật của nỗi khổ. Đức Phật còn đưa ra “Học thuyết vô ngã” đã tạo nên sự tranh luận chưa bao giờ chấm
dứt trong suốt 25 thế kỷ qua.
Theo Đức Phật,
không có một chữ ngã (Atman) thực sự và chắc chắn là cũng không có một linh hồn.
Ngài đưa ra thuyết vô ngã, vô linh hồn, đã mở ra cho nhân loại con đường tự do
tư duy trong quá trình nhận thức.
Đức Phật đã gởi
đến nhân loại một thông điệp:
“Chúng ta có
quyền hoài nghi, dám đảm xét lại những điều mà nghìn đời cho là bất di, bất dịch,
dám đưa ra những quan điểm mới và dám bảo vệ nó.
Nếu như Đức Phật
còn giữ lại những khái niệm về nghiệp (Karma) về pháp (Dharma), luân hồi (samsara)
và giải thoát (moskha) của Ấn giáo và Ngài đã thực hiện một cuộc cách mạng triệt
để. Ngài cho rằng chắc chắn và dứt khoát không có một thực thể được gọi là Ngã
(Atman) trên phương diện cá nhân cũng như trên phương diện tòan thể. Khi đã
không còn Ngã (Atman) thì cũng chẳng còn sự đồng nhất giữa Ngã (Atman) và Đại
Ngã (Brahman).
“Lý tưởng phấn đấu tiến đến quá trình giải
thoát theo quan niệm của nhân dân Ấn Độ thời đó đã bị Đức Phật phũ nhận hòan
tòan. Học thuyết Vô Ngã vì thế là một học thuyết của riêng Đạo Phật, đó là một
điểm cơ bản nhất trong vô số điểm nhằm để phân biệt Phật Giáo với các tôn giáo
khác.”
Vì không có linh
hồn trường tồn sau khi phân hoại, nên tái sinh không diễn tiến theo hình thức
linh hồn luân chuyển đầu thai vào một thân xác mới mà do một chuỗi liên tiếp
các nhân duyên tạo điều kiện sanh khởi (schurmann.306)
Quan điểm linh hồn
của Đức Phật là hết sức rõ ràng.
Ngài xác nhận
thân thể này được tạo thành bởi năm yếu tố mà Ngài gọi là: Ngũ uẩn gồm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Theo Đức Phật: “Ngũ uẩn là vô thuờng cho nên không thể
có một linh hồn, một cái Ngã (Atman) thường hằng bất diệt”.
Đó là một cống
hiến độc đáo của Ngài, bởi lẽ làm gì có cái gọi là linh hồn bất diệt, trong
dòng chảy vô thường đó. Nói một cách rõ ràng hơn, không thể có cái gọi là “thường”
trong thế giới vô thường.
Cho nên quan niệm về Ngã (Atman) một linh
hồn trường cửu cũng hoang đường và phi lí như việc “chèo thuyền trên non” vậy.
Nhưng nếu quả thật
có một linh hồn linh thiêng trường cửu và bất biến thì tại sao linh hồn đó vẫn
vấp phải những sai lầm trong quyết định lựa chọn đầu thai của mình?
Một nghịch lý lớn
lao nhất là đòn chí tử làm lộ rõ tính phi lý của những tôn giáo thừa nhận có
linh hồn: “Nếu như có hai dạng linh hồn, một là được lên thiên đàng vĩnh cửu sau
khi chết và một dạng đi xuống hỏa ngục đời đời theo những sự phán quyết của Đấng
tối cao. Như vậy:
“Chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng một ngày
nào đó sẽ không có linh hồn nào cho Đấng tối cao phán xét nữa. Vì Đấng tối cao
đã tập hợp hết linh hồn vào thiên đàng và địa ngục rồi thì làm gì còn có một
linh hồn nào để Ngài phán xét. Khi đó, rõ ràng nhân loại sẽ không còn hiện hữu
vì đâu có “phần hồn” để tạo nên con người.”
Như vậy sự tồn tại
về một linh hồn trường cửu là một lý thuyết hoang đường nhất mà nhân loại trong
thế giới hữu thần có thể tưởng tượng ra.
Quan điểm thân
ngũ uẩn là vô thường của Đức Phật. Theo Ngài, không có cái gì là thường trong
năm yếu tố đó. Bởi vì ngũ uẩn biến đổi liên tục thì làm sao có thể có cái gì đó
tĩnh tại trong ngũ uẩn, hoặc ẩn chứa đằng sau ngũ uẩn. Vì ngũ uẩn là động, là
biến đổi liên tục cho nên ngũ uẩn là vô ngã. Trong năm thành phần (ngũ uẩn) tạo
nên thân thể con người, thì “sắc” là yếu tố thuần chất. Những yếu tố còn lại
như: thọ, tưởng, hành và thức là thuộc về tinh thần.
Nếu như tìm hiểu
trong 4 yếu tố thì khái niệm về “Thức” rất gần gũi với linh hồn. Do vậy về sau
nhiều nhà Phật học đã mặc nhiên hiểu về “Thức” như hiểu về linh hồn. Vì “Thức”
sẽ đi đầu thai, sẽ mang lấy nghiệp của kiếp trước, sẽ tạo ra nghiệp trong tương
lai v.v..
Nhưng sự thật
không phải là như vậy.
“Đức Phật đã phủ nhận không thương tiếc lối
tư duy này Ngài cho rằng, nếu vì mê lầm mà cho rằng thân xác vật lý này là linh
hồn thì còn đỡ sai lầm hơn việc cho rằng
“Thức” là linh hồn”. Theo kinh điển, Đức Phật đã giải thích về
thức như sau:
“Đơn giản vì cái
gọi là “Thức” là tâm ấy biến đổi liên tục, biến đổi trong từng sát na, nhanh
hơn nhiều lần so với sự biến đổi về thân xác. Xem cái biến đổi liên tục như vậy
là một linh hồn vĩnh cửu thì cũng chẳng khác gì đi tìm sự tồn tại vĩnh cửu ở bong
bóng nước, đi tìm sự bất tử ở loài phù du”
Như vậy rõ ràng vì mọi thứ đều là vô thường,
đều là biến đổi liên tục, nên không có một cái “ngã” vĩnh viễn, không có một
linh hồn vĩnh viễn. Đó là một sự thật dù sự thật này trái ngược với ước mơ tồn
tại vĩnh viễn của loài người.
Vậy không có
linh hồn thì cái gì đi đầu thai để trở thành một kiếp sống khác?
Vấn đề ở đây là:
Tại sao phải mặc nhiên chấp nhận quan điểm “Linh
hồn đi tái sanh” tại sao không tư duy theo phương thức gần với sự thật
hơn?
Theo Đức Phật:
“Thân là chủ nghiệp, thân là thừa tự của nghiệp” đó là một sự thật.
Nhưng cái gọi
là thân đó theo Đức Phật chỉ là thân “ngũ uẩn” giả hợp, không có thật, vì không
có thật cho nên không thể tồn tại vĩnh viễn. Vì vậy trong cuộc sống mỗi cá nhân
đều có quyền tạo dựng và chuẩn bị cho mình để tái sanh trong tương lai.
Khi “Thức” của một
con người đi tái sanh vào một bào thai mới, tùy theo nghiệp của “Thức” đó mà có
sự hiện hữu ở các cấp độ khác nhau của tái sanh.
Nhưng khi các yếu tố hình thành nên con
người, mới đã được thiết lập, thì đã có một hòan cảnh mới, một nhân duyên mới,
một tồn tại mới phát sinh. Như vậy, con người mới không phải là con người cũ.
Bằng điểm lý luận
siêu việt này, Đức Phật đã phủ nhận cái ngã vĩnh cửu. Nhưng con người mới (hay
là thân Ngũ uẩn này) vẫn có mối liên hệ với thân cũ thông qua “Thức” đi đầu
thai do nghiệp (nghiệp định hướng cho sự lựa chọn đầu thai của “Thức”
Khi thân ngũ uẩn
mới được hình thành nó có một “Thức” mới trong một điều kiện và hòan cảnh mới.
Như vậy, giữa
thân cũ và thân mới có một nhịp cầu là “Thức”.
“Thức” cũ sẽ
chuyển “nghiệp” vào thân mới thông qua tái sanh, và như thế một đời sống mới được
hình thành.
Trong quan điểm
độc đáo này Đức Phật đã bác bỏ được cả hai quan niệm “Chết là hết” và “Chẳng
có nghiệp báo gì cả”.
Tóm
lại: Rõ ràng theo Đức Phật,
giữa thân trước và thân sau khi tái sinh không phải là một.
Nhưng chúng không phải là hai thực thể
hòan tòan độc lập mà giữa chúng có mối quan hệ thông qua “Thức” làm điều kiện
chuyển sanh và chuyển nghiệp.
“Thức” không phải là linh hồn vì bản chất
của linh hồn là trường cửu, còn “Thức” trước và sau khi tái sinh tuy có mối
liên hệ làm điều kiện chuyển sanh giữa hai cá thể nhưng lại rất khác nhau, vì chúng
không phải là một. (Kinh điển III)
Lý luận khúc chiết,
tinh vi và mô tả chính xác với những gì
đang diễn ra về vấn đề sanh tử của Đức Phật, khiến cho giới học giả bàng hòang
kinh ngạc vì 25 thế kỷ trước có một đầu óc uyên thâm và kì vĩ đến thế. Họ không
thể tưởng tượng nổi trên thế gian trần tục này, lại có người lý luận về sanh tử
mô tả về hiện tượng sanh tử sống động và chính xác đến như vậy.
Nhận thức về quá trình sinh tử của Đức Phật
đã tạo ra được nguồn cảm hứng vô tận cho vô số tác phẩm văn hóa được hình
thành. Quan điểm về sự mong manh và vô thường của cuộc nhân sinh đã tạo nên một
cái đẹp bi tráng về kiếp người chính ngay những phù du đó, con người tự đứng một
mình, tự nổ lực vươn lên, lao động và sáng tạo không mệt mỏi để tìm thấy hạnh
phúc cho mình và cho muôn loài.
III. VĂN
HÓA NHẬN THỨC VÀ ỨNG XỬ CỦA ĐỨC PHẬT ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ TỘI ÁC
Liệu có tồn tại
khái niệm “Tội lỗi” trong quan điểm của Đức Phật không?
Trên căn bản lý
luận “Tội lỗi xuất phát từ con người” nhiều nhà sáng lập tôn giáo, nhiều triết
gia đã quan niệm về tội lỗi rất khác nhau.
Truyền thống văn
hóa Do Thái, Ki tô giáo thừa nhận sự hiện hữu của loài người từ thuở lồng
hoang. Sự ra đời của con người đã là một tội lỗi. Vì thế họ đã nghĩ ra cách làm
lễ rửa tội cho những đứa trẻ mới chào đời, các giáo sĩ và linh mục rửa tội cho
các con chiên.
Riêng Phật giáo
theo kinh điển Đức Phật chưa bao giờ xem sự hiện hữu của loài người như là một
tội lỗi. Theo Ngài sự hiện hữu của loài người là do vô minh và tham dục nên sự
hiện hữu đồng nghĩa với khổ đau.
Như vậy đối với Đức Phật, hiện hữu không
phải là một vấn đề tội lỗi, hiện hữu chỉ là khổ đau. Quan điểm của Ngài khi mỗi
cá nhân hiện hữu chỉ là khổ đau. Quan điểm của Ngài khi mỗi cá nhân hiện hữu
trên cuộc đời này thì đồng thời cá nhân ấy cũng có được một cơ hội để phấn đấu,
rèn luyện nhằm vượt qua khổ đau và chiến thắng khổ đau.
Đức Phật nói: “Làm được thân người là khó.”
Ngài tự cho rằng
mình là người sống hạnh phúc trên cõi đời .
Vì không quan niệm về sự hiện hữu của con
người như là một tội lỗi, nên vấn đề rửa tội cho trẻ em đã không bao giờ được đặt
ra trong đạo đức học của Phật giáo.
Theo Đức Phật “Người ta không thể “Rửa” một
tội không có trong thực tế”.
Đức Phật dạy các
đệ tử: “Này các Tỳ Kheo, hay nương tựa
nơi chính mình, không nương tựa, một ai khác (Kinh Tương Ưng)
Trước khi nhập
Niết Bàn, Đức Phật đã cẩn thận dặn dò A Nan (Ananda) một lần nữa về chân lý ấy.
Về vấn đề cầu khẩn, tụng kinh, lập đàn
chay để xin ban phúc, giáng họa và tiêu trừ tội lỗi, việc này đối với quan điểm
của Đức Phật là mê muội và hoang đường.
Kinh tạng Pali
thuật lại:
Một Bà la Môn hỏi
Đức Phật “Một người lúc sống làm điều ác, khi chết con cháu lập đàn cúng tế, cầu
nguyện để làm tiêu trừ tội lỗi của người ấy có được không?
Đức Phật trả lời:
“Việc cầu cúng và tụng kinh đó cũng ngu dốt và hoang đường như việc một người
lăn một hò đá to xuống dưới hồ rồi cầu nguyện cho chúng nổi lên, theo Ngài việc
làm ấy cũng mê muội như việc đổ dầu lên mặt nước rồi cầu nguyện cho dầu chìm xuống.”
Nhưng thật đáng
tiếc khi nhắc đến Phật giáo, đa số nghĩ ngay đến việc: cầu cúng, tụng kinh, siêu thoát.
Đó là những việc
làm mà lúc còn tại thế Đức Phật đã phản đối kịch liệt. Ngài bảo việc cầu cúng tụng kinh ngu dốt và hoang đường.
Will.Durant đã
nhận xét về việc các sư sãi cúng cầu khẩn, tụng kinh, lập đàn chay để xin ban
phúc xuyên tạc phản bội quan điểm của Phật bằng một câu nói nổi tiếng:
“Đời sống của các bậc vĩ nhân nào sau khi
chết cũng bị hậu thế làm sai hẳn đi, mất chân tướng một cách nhơ nhớp. (Will
Durant 2004-258)
Đức Phật dạy rằng,
muốn tránh tội lỗi và thoát khỏi tội lỗi thì phải giữ: Thân, miệng và ý nghĩ.
Tránh những việc làm ác độc, miệng đừng nói ác, tránh những suy nghĩ ác. Nhưng
nếu cá nhân đã lỡ gieo nhân ác độc rồi dù cá nhân ấy trốn lên núi cao hay trốn
vào biển sâu cũng không thoát được quả báo.
Đồng thời Ngài
cũng dạy con người biết ăn năn hối cải, biết làm lành tránh dữ một cách chân
thành tha thiết thì tội lỗi trong quá khứ sẽ giảm dần và có thể tiêu diệt?
Quan niệm về tội
lỗi và cách giải trừ tội lỗi có 2 điểm:
Thứ nhất: Không phải “Cứ gieo
nhân nào thì nhất định phải gặp quả đó”. Vì con người vẫn có cơ hội để khắc phục
sau khi đã lỡ phạm lỗi.
Thứ hai: Phật dạy chỉ có con người
mới có thể đem lại hạnh phúc và đau khổ cho mình.
Hạnh phúc và đau
khổ của con người không bị phụ thuộc vào thần linh hay Thượng Đế.
Tóm
lại: Bằng một trí tuệ sắc sảo, một lòng từ bi rộng lớn Ngài đã dạy
cho nhân loại con đường quay về với nẻo thiện, để làm đẹp cho mình và cho đời.
(Còn tiếp)
Lấp Vò, Đồng Tháp
Bài liên quan
- TÌM HIỂU THÊM VỀ THỜI GIAN TRONG TÁC PHẨM TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU
- Khái niệm thời gian
- Tìm hiểu nền giáo dục xưa và nay
- Cái nghèo qua thơ của Tam Nguyên Yên Đổ
- Bàn thêm về từ "Cái"
- Bàn thêm về những ngôn ngữ ở Việt Nam
- Tứ đại mỹ nhân "của Trung Quốc cổ đại"
- Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984)
- Tìm hiểu về thời gian trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du (tt)
- Tìm hiểu thêm về thời gian trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du (tiếp theo)
- Bàn thêm về năm nhuận của Dương lịch và Âm lịch
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét